Tác hại của túi nilon là rất nặng nề, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà túi nilon còn gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe con người.
Trong nỗ lực nhằm hạn chế túi nilon và rác thải nhựa, các quốc gia trên thế giới đã có những biện pháp khác nhau, từ cứng rắn đến mềm mỏng, từ phạt hành chính đến hình sự.
Nhiều quốc gia hoặc một phần lãnh thổ đá áp dụng lệnh cấm hoặc tính phí đối với việc sử dụng và cung cấp túi nilon được kể đến như: Anh (2015), Mexico (2010), Australia (2008), Trung Quốc (2008), Brazil (2007), Bangladesh (2002), Pháp (2007), Bỉ (2007)…
Tại Mỹ, từ tháng 7/2014, 20 bang và 132 thành phố trở thành đối tượng áp dụng 1 trong 2 lệnh cấm trên.
Tại Đan Mạch, từ năm 2003, các nhà chức trách đã đưa ra một loại thuế mới đánh vào các nhà bán lẻ sử dụng túi nilon. Điều đó được cho là đã giúp hạn chế tới 66% túi nilon sử dụng trong các giao dịch mua bán tại đây.
Còn ở Ireland năm 2002, người tiêu dùng phải chi thêm 0,15 euro (0,158 USD)/túi nilon nếu dùng sản phẩm này. Mức tiền tăng đến 0,22 euro (0,233 USD)/túi nilon trong năm 2007. Số tiền phí trên được chuyển vào quỹ môi trường của Ireland.
Sau thời gian áp dụng chương trình, 90% người tiêu dùng đã tái sử dụng túi nilon nhiều lần trong một năm thay vì dùng 1 lần.
Những quốc gia châu phi là một trong những nước mạnh tay nhất trong các lệnh cấm, trừng phạt.
Năm 2017, Kenya đã chính thức quy việc sản xuất, sử dụng túi nilon là bất hợp pháp. Bất cứ ai vi phạm sẽ phải đối mặt với mức án 4 năm tù và phạt 38.000 USD.
Chính phủ Nam Phi cấm dùng túi nylon siêu mỏng từ tháng 5/2003. Những nhà bán lẻ phát loại túi này cho khách hàng có thể bị phạt 100.000 rand ((13.800 USD) hoặc 10 năm tù giam.
Có hiệu lực từ tháng 1/2017, lệnh cấm của Ấn Độ buộc tất cả các tập đoàn và cơ quan công quyền khác phải có biện pháp giảm sử dụng túi nilon. Thực tế, 8 năm trước, Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm sử dụng, lưu trữ và bán túi nilon tại Delhi. Vi phạm lần đầu sẽ bị phạt tiền lên tới 366 USD và phạt tù nếu tái phạm. Mức phạt có thể lên tới 5 năm tù giam đối với người bị phát hiện mang theo túi nilon ở thủ đô. Ngoài ra, những khách hàng, chủ cửa hàng… sử dụng túi nilon đều có thể bị phạt tới 100.000 rupee (khoảng 1.498 USD) hoặc chịu một án tù.
Để những lệnh cấm túi nilon có thể phát huy hiệu quả tối đa và lâu dài thì cần phải có những phương án thay thế túi nilon.
Trên thế giới cũng đã phát minh ra những loại túi thân thiện môi trường để thay thế túi nilon. Có thể kể đến các loại túi dễ phân hủy được làm từ bột giấy từ các loại giấy báo và bìa tái chế, túi nilon được làm từ khoai tây, tinh bột sắn, khoai mì, bã mía,...các loại túi giấy, túi vải thân thiện với môi trường như túi vải bố, túi vải không dệt.
Những lệnh cấm góp phần không nhỏ đến việc hạn chế sử dụng túi nilon, tuy nhiên yếu tốt quyết định vẫn nằm ở ý thức của mỗi người. Vì thế mỗi người hãy có ý thức hạn chế sử dụng túi nilon, cùng nhau bảo vệ hành tinh sống của chúng ta.